
Tuần 'đẫm máu' của chứng khoán toàn cầu diễn ra như thế nào?
Thị trường chứng khoán toàn cầu vừa trải qua một tuần biến động kinh hoàng với những phiên giảm điểm kỷ lục mà mở màn là thị trường Mỹ.
Mở phiên giao dịch đầu tuần (5/2), chứng khoán Mỹ nối tiếp đợt bán tháo mạnh từ thứ 6 tuần trước khiến các chỉ số giảm kỷ lục. Chỉ số công nghiệp Dow Jones trải qua phiên giảm sâu nhất trong lịch sử chứng khoán Mỹ, có lúc mất tới 1.600 điểm, còn chỉ số S&P 500 có lúc mất đến 5% - mức cao nhất 6 năm. Chốt phiên, Dow Jones giảm 1.175,21 điểm, tương đương 4,6%, còn S&P 500 sụt 113,1 điểm tương đương 4,1%. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq mất 273,4 điểm, tương đương 3,7%.
Nối gót phố Wall, các chỉ số chứng khoán ở châu Á đồng loạt giảm mạnh. Chỉ số Nikkei 225 có lúc giảm hơn 1.500 điểm - mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/1990.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng có phiên giảm mạnh nhất 2 năm khi Shanghai Composite Index sụt 3,4%. Trong khi đó, chỉ số Kospi của chứng khoán Hàn Quốc giảm hơn 3%.
Sang ngày 6/2, chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trở lại. Chốt phiên, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 567 điểm, tương đương 2,3%, S&P 500 tăng 46,2 điểm, tương đương 1,7%, còn Nasdaq tăng 148,3 điểm, tương đương 2,1%.
Tuy nhiên, trái với sự hồi phục của phố Wall, thị trường chứng khoán châu Âu tiếp tục giảm điểm trong phiên 6/2 với Stoxx Europe 600 sụt 2,4% điểm - mức giảm lớn nhất kể từ giữa năm 2016.
Còn tại châu Á, chỉ số Nikkei 225 rơi vào trạng thị trường điều chỉnh. Chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương (không bao gồm Nhật Bản) sụt 2,5%, mức giảm thấp nhất trong 5 tuần.
Phiên giao dịch ngày thứ 6 (9/2), thị trường chứng khoán Mỹ chứng khiến sự đảo chiều mạnh mẽ so với phiên giảm 4% ngày 8/2 và đóng cửa với mức tăng 1,5% của chỉ số S&P 500, còn Dow Jones và Nasdaq tăng lần lượt 1,4% và 1,7%.
Trong khi đó, chứng khoán châu Âu và châu Á lại có thêm một phiên giảm điểm mạnh trong ngày giao dịch cuối cùng của tuần. Chỉ số Stoxx Europe 600 của châu Âu giảm 1,4% chạm đáy 5 tháng.